Trang

Người theo dõi

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

NƯỚC MẮT ĐÔNG QUAN

Nguyễn Trọng Nghĩa
Ghi chép

Trung tuần tháng sáu năm 2010 tôi đến thăm thành Tây Đô, tình cờ gặp nhà giáo Hồ Duy Diến và nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng, hai người đang chúi đầu vào chồng tài liệu ( Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Đại Học Sử Ký Toàn Thư và nhiều tài liệu tham khảo khác có liên quan đến Hồ Quý Ly và thành Tây Đô, thành Nhà Hồ...) tôi rất mừng. Thoạt nghĩ: có thể lần này tôi sẽ tìm được nhiều tài liệu đang cần.
Nhưng ròng rã hai ngày tôi vẫn còn băn khoăn: tài liệu viết về Hồ Quý Ly chưa đủ lắm, có lẽ do chế độ phong kiến mặc cảm với vị vua này, bởi ông không giống các vương triều lớp trước. Mặt khác bọn phong kiến phương Bắc chủ tâm đồng hoá người Việt, hai nữa, các triều thần phong kiến sau này ở nước ta vẫn còn nặng tính bảo thủ Nho giáo, cứ cho nền Nho giáo Trung Hoa là trên hết, từ Khổng Tử trở đi chưa ai vượt qua tiềm năng đó. Họ cứ lấy việc dạy người, sửa đời theo tư tưởng Khổng Tử làm gốc nên không có trí sáng tạo. Cố nhiên văn nhân nước ta cũng sửa đổi một số, nhưng vẫn còn đậm tính chất màu sắc Trung Hoa... Rốt cuộc tôi thấy mừng về cuộc cải cách của Hồ Quý Ly, ông đã mở đầu một trang sử mới, tuy chưa triệt để ( bởi thời gian rất ngắn) nhưng đã có tác dụng rất lớn cho các triều đại sau này.
Những miêu tả, tâm sự của hai ông kèm theo những tư liệu quý trong chồng tài liệu khiến tôi không thể không ghi lại đôi dòng. Nhân đây tôi xin gửi đến bạn đọc một câu chuyện cảm động nhưng rất thú vị, rất cần cho những ai đang tìm hiểu các nhân vật thời Hồ:
Nửa cuối thế kỷ XIV, vị vua mặt trắng thư sinh Thuận Tông đã nổi tiếng giàu sang bậc nhất so với hàng cha anh lớp trước. Ngày nào cũng có người biếu của quý như ngà voi, vàng ngọc châu báu, yến và các thức ngon vật lạ trên rừng dưới biển, nhất là gái đẹp, hổ cốt, mật gấu cho ngài. Rồi dẫn đến các quan ngồi chỗ không yên, cũng nghĩ kế tìm ra vật gì quý nhất dâng ngài để “ lấy lộc”. Vậy nên thời ấy đã có câu: “ Cho gì để được cái gì!” Trường hợp Lê Á Phu, quan trấn ải biên giới muốn về làm Đại thần trong triều đã không ngại đường xá xa xôi tiến vua 70 ngà voi; Chu Bỉnh Khiểm ra mặt giỏi hơn Á Phu còn gửi tận tay ngài một cái hộp sơn son trát vàng, trong đó có chứa 10 viên ngọc quý, ngoài ra còn dẫn đến mỹ nữ Thái Thị Xuân đẹp tuyệt trần... nên được Thuận Tông thăng chức. Nhiều quan sĩ khác cũng đua nhau, chẳng khác tía cá rô vượt cạn dưới mưa rào tiết tháng tư. Tất cả họ đều không qua nổi đôi mắt phượng ngài của Bình chương sự Hồ Quý Ly.
Đã thế Quý Ly còn hổ thẹn thay cảnh có lần vua Thuận Tông phải trốn chạy lên mãi tận Bắc Giang vì Phạm Sư Ôn đánh chiếm kinh thành, phía Bắc nhà Minh thường xuyên cho sứ giả đến đòi cắt đất và bắt ta làm đủ việc cho chúng, phía Nam quân Chiêm Thành ngạo nghễ tiến vào cướp đất, cướp của, giết người nhiều phen. Song , bụng dạ nào vẻ mặt ấy, chẳng biết ngài có ngầm giấu nỗi buồn đau và tức giận không mà lúc nào người ta vẫn thấy ngài nghiễm nhiên đường bệ, da dẻ hồng hào. Có lần Nguyễn Cảnh Chân dâng sớ tâu trình: “ Thưa bệ hạ, thù trong giặc ngoài nhiễu loạn ngày một tăng, chúng thần xin bệ hạ thẳng tay nghiêm trị...” Chưa dứt lời Cảnh Chân, Thuận Tông quát: “ Các ngươi không thấy hổ thẹn ư! Ta là hoàng đế chẳng đã ban phát quyền hành từ trứng chí mén, từ quan lớn đến quan nhỏ, bỗng lộc hẳn hoi cho các ngươi đó sao! Ngươi... ngươi thử điểm chức đại thần của ngươi đã làm được gì? Cứ tưởng ta không quan thiết đến sự tình...”
Bỗng thái giám đột ngột vào tâu, vua quay sang niềm nở tiếp.
- Thưa bệ hạ, - giọng thái giám ẻo lả: - Hoàng hậu muốn đưa đào nữ Ngọc Dung mới tuyển vào hầu.
- Vào- ngài phát lệnh, tay xua xua về phía Cảnh Chân. Chân tím mặt, chỉ còn kịp nhìn lướt từ cái mũ màu vàng trên đầu đến bộ áo hoàng bào bọc ngoài một cơ thể đầy đặn no nê của ngài, rồi cúi đầu lùi bước...
Riêng cha con Hồ Quý Ly được vua ưu ái nhất, có lẽ do mối tình thân ngoại thích. Quý Ly biết rõ lòng dạ của vua bất tài, phần lớn các quan cũng bất tài, hay xu nịnh, chỉ lo cầu an hưởng lạc, ít ai còn tính chuyện khôi phục tình thế đất nước đang suy sụp từng ngày. Quý Ly tranh thủ lợi dụng quyền hạn dạy vua và hoàng hậu cùng các phi nữ cung tần, tuy vẫn sử dụng kinh điển nho giáo nhưng ông cố gắng phân loại, chọn lọc trong đó lấy những gì mình cần dùng cho phù hợp với từng đối tượng, giải thích ý nghĩa theo tư tưởng của mình, không theo khuôn mẫu giống các nhà nho giáo xưa. Với kinh thư, ông chỉ chú ý Thiên Vô Dật để dạy vua. Kinh này ghi chép các kinh nghiệm tổ chức xã hội, nhất là Nghiêu Thuấn. Trong đó có tập hợp các minh chứng cụ thể, khuyên vua không nên nhàn rỗi... Như vậy ông đã thể hiện tư tưởng cải cách, gạt bỏ những mô hình khuôn mẫu mà hầu hết các nhà nho giáo thường ca tụng nào là Đường, Ngu, Tam đại theo lối Trung Hoa. Ông chăm chỉ viết sách, nghiên cứu sửa đổi xã hội trên mọi lĩnh vực. Sách Minh Đạo của ông được các nhà nghiên cứu sau này đánh giá rất cao, phê phán thẳng thừng lối dạy cổ hủ của Tống Nho chỉ lo “ Tầm chương trích cú” mà không lo việc mở mang kinh tế làm cho nhân dân no ấm, nước nhà thịnh vượng. Với thi cử, ông đưa môn toán học vào làm môn thi để phát hiện nhân tài, biết tính toán kinh tế và mọi mặt phát triển công nghệ mở mang tầm nhìn chiến lược cho lớp sĩ phu. Ông là người đầu tiên dùng chữ Nôm trong các văn bản nhà nước để tỏ rõ sự độc lập của dân tộc, tự chủ đất nước. Cũng chính việc trọng chữ Nôm( chữ nói tiếng mẹ đẻ) làm cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ văn bản nhà nước. Và từ đó chữ Nôm ngày càng phổ biến, nên về sau ta có nhiều áng thơ văn bất hủ như: Vua Lê Thánh Tông làm nhiều bài thơ Nôm và là chủ soái của “ Tao đàn nhị thập bát tú”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh dấu một bước thơ văn bằng tiếng mẹ đẻ, Nguyễn Trãi ngoài “ Bình Ngô Đại Cáo” được công nhận là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, ông còn có “ Quốc âm thi tập” gồm 254 bài thơ Nôm. Tiếp đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, và Bà Huyện Thanh Quan... đã nổi danh trên văn đàn thơ Nôm sống mãi với thời gian...
Chính nhờ sự quan tâm phát triển chữ Nôm của Hồ Quý Ly, nền văn học nước nhà có chỗ đứng trên văn đàn thế giới.
Về giáo dục, khi đã giành được ngôi vua, Hồ Quý Ly là người đầu tiên trong lịch sử nước ta mở rộng trường học xuống đến xã để nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo. Ông đưa môn chính tả vào các trường thi nhằm tạo cho người làm quan phải có chữ tốt, chữ đúng. Vì chữ nho cũng giống như chữ quốc ngữ, chỉ cần sai một nét là ra chữ khác.
Ông nhìn thấy nhiều vị quan quản tới hàng trăm nô lệ, khi xảy ra sự cố thì chính số nô lệ trong tay họ sẽ gây rối trật tự xã hội , nên ông nhanh chóng đưa ra chính sách “ Hạm nổ” nhằm giảm bớt uy quyền của người có chức, bắt tất cả mọi người phải tuân lệnh phép nước, phụng sự lợi ích chung.
Đứng trước bối cảnh kinh tế so sánh giữa người giàu với người nghèo quá chênh lệch, Quý Ly đưa ra chính sách “ Hạn điền”, cho đến nay chúng ta còn thấy tác dụng của nó rất lớn. ( Có lẽ phải phát huy, vì hiện nay nhiều người nông dân đang cần thêm ruộng canh tác để nâng cao mức sống mà chẳng được, trong khi, không ít người chẳng phải là nông dân lại nhiều ruộng vô kể).
Chính sách thuế, ông quy định rất cụ thể. Đặc biệt đối với người goá chồng và trẻ mồ côi được miễn thuế thân, đây là chính sách nhân đạo, nhân văn có tầm văn hoá rất cao.
Về cải cách tiền tệ, Quý Ly đưa ra tiền giấy Pháp định “ Hội Sao Thông Bảo” rất tiện lợi, còn số tiền đồng đó được thu về sản xuất vũ khí và những mặt hàng công nghệ khác.
Để giám sát các mặt hoạt động trong nước chặt chẽ, ông đặt chức quan “ Liêm phóng” ở các trấn. Chức này giống như công an mật vụ ngày nay, kiểm soát các quan và nhân dân không được trái luật nhà nước. Nhờ sự kiện này mà suốt tám năm trong triều Hồ ( 1400 – 1407) không có chuyện tham nhũng.
Riêng Hồ Nguyên Trừng ( con cả của Hồ Quý Ly) nổi tiếng tài cao học rộng, chuyên nghiên cứu các ngành văn, toán, địa lý. Những lần đi thị sát các Châu, Phủ theo lệnh của cha, Trừng đã chứng kiến nhiều cảnh bi thương, ông ghi chép cẩn thận mang về tấu trình. Tại kinh Bắc, Trừng phải nổi nóng với Tri phủ Lê Dinh vì tên địa chủ Đỗ Bính đánh chết một nô tì đã ba ngày rồi mà không có cấp nào xử lý.
- Ngài nói gì? – Dinh đỏ mặt tía tai khùng lên: - Lấy tư cách gì mà ngài dám phê!
- Ngài thật vô tâm! Người vô tội bị đập chết cánh đây chưa tới hai dặm đường, cũng vì cáo ốm không đi gánh đá xây nghè cho phủ. Chứng lý đang sờ sờ ra đó, ngài còn chối nữa không!
Mãi lúc này Lê Dinh mới nhận ra Hồ Nguyên Trừng thì giảm bớt hùng hổ, đưa tay phải lên gãi đầu, cặp môi chỉ hơi run, làm bộ râu con kiến cũng rung theo:
- Nhưng tôi đâu phải người trực tiếp đương nhiệm...
- Chức tri phủ không cao hơn tri huyện, chánh tổng chắc!...
Đến Sơn Nam và Hải Đông, Trừng thấy ba người chết đói. Người chết ở Sơn Nam là một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, mặt đã bị kiến vàng bâu kín hai lỗ mắt sâu hoắm, miệng khép lại rất nhỏ, lúc cúi xuống nhìn, Trừng bỗng giật mình khi thấy những con bọ nhỏ li ti bò lúc nhúc hai mép, toàn bộ từ đầu đến chân người quá cố nằm nghiêng cuộn tròn ôm chặt đứa con chừng ba tháng cũng đã khô cứng, tay nó khư khư ôm bầu vú lép kẹp. Còn người chết ở Hải Đông là cụ già đang ngồi, tay phải ôm cái gậy tre khô hơi cong, tay trái vẫn nắm chặt cái bát sứt miệng tì vào cái rễ cây to, lưng dính chặt thân cây đa, đầu ngoẹo sang vai phải. Cả hai trường hợp Trừng phải rút tiền túi mình ra làm tang cho họ.
Nghe những điều Trừng kể, có giấy mực ghi chép rõ ràng, đôi mắt Quý Ly cười, ông nói:
- Chẳng đã cha con mình đang dốc lòng vào việc đó sao! Con thấy những trang sách cha dạy vua, hoàng hậu và các phi nữ thế nào?
- Không thể nào khác. Nhưng liệu các quan đại thần có phản ứng?...
- Dần dần họ sẽ phải hiểu. Chữ và nghĩa nên ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu nhưng phải gây được cảm xúc lớn. Không viết theo lối “ mỏ tre sách in”, phải xoáy thẳng vào hoàn cảnh hiện tại và mở rộng những triển vọng tương lai...
Trừng hiểu ý cha, lát sau lại hỏi:
- Con đã đọc nhiều sách, được nghe các cụ kể về thời Lý Thánh Tông, Trần Thái tông... Nhưng nay...
Quý Ly xoa đầu Trừng, hiểu lòng con nên không giấu nổi xúc động:
- Vậy là con đã lớn khôn thật rồi. Nay cha chưa thể nói hết những gì chúng ta sẽ phải làm. Đó là gánh nặng quốc gia... Thời còn nhỏ cha được nghe một câu chuyện hết sức cảm động: “ Tại phủ nọ có anh chàng mỗi tháng năm lần bảy lượt diệt mọt. Đầu tiên anh ta dùng thuốn sắt thật nhỏ dùi vào các lỗ mọt gặm cây cột nhà, thấy êm được ít ngày, trong thân cột lại nổi lên tiếng cọt kẹt. Anh ta tiếp tục diệt, lần này cách trị nặng hơn là dùng thuốc độc. Tưởng đã tuyệt giống mọt, anh ta mừng quá chạy đi hướng dẫn mấy nhà cũng bị mọt gặm cột...Đến một đêm oi nồng không ngủ được, mãi canh ba mới chợp mắt, bỗng tiếng nghiến kẹt trong thân cột lại vang lên, lần này dày hơn, cứ mỗi lúc phát mạnh thêm, anh ta điên tiết với tiếng nghiến kẹt như chọc thủng màng tai.
Cái hôm anh này đang nhe răng nhíu mắt thuốn sắt, nặt mũi mồ hôi chảy ròng, hung dữ chọc thật sâu vào từng lỗ quanh thân cột bỗng giật mình vì tiếng cười hì hì phía sau. Định đổ lửa vào người khách lạ mặt, nhưng quay lại thấy người nọ có tướng mạo đáng nể đang khua tay trước mặt thì anh ta hạ cơn nóng, hỏi:
- Sao lại cười, ông là ai?
- Tôi chuyên nghề địa lý – khách trả lời: Anh muốn diệt mọt chứ gì, nếu cần tôi sẽ giúp.
- Vâng, nhờ thầy chỉ giùm!
- Đơn giản, mọt xuất hiện là do cây cột thuộc giống gỗ tồi, đã đến lúc nó làm nôi sinh cho mọt, anh có dùng đến thạch tín trị cũng vậy. Nên anh chịu khó chọn cây gỗ tốt làm thay thế. Gỗ tốt vùng này chẳng thiếu gì.”
Trừng hiểu thâm ý của cha, càng hiểu vì sao mấy tháng qua lòng dạ ông trầm ngâm đến sợ. Trừng bắt đầu chúi đầu nghiên cứu các sách chuyên viết về binh pháp và các loại vũ khí theo yêu cầu của cha. Một hôm Trừng dùng than xoan trộn với vài thứ hoá chất khác gói chặt vào giấy rồi châm lửa, bỗng phát ra tiếng nổ rung chuyển cả căn nhà. Quý Ly đang ngồi đọc sách thấy mấy cái chén văng xuống đất kêu loảng xoảng định chạy ra quát Trừng, nhưng khi nhận được thành quả thử vũ khí của con ông mừng quá, dắt trừng vào hỏi chuyện. Loại thuốc nổ này chính là cơ sở đầu tiên để Nguyên Trừng chế tạo súng thần cơ, thứ vũ khí hiện đại bậc nhất các vương triều phong kiến thời đó.
Quý Ly biết Thuận Tông không đủ sức gánh vác giang sơn, thậm chí còn thả đà cho Tổ quốc lâm nguy, suy sụp hơn, rồi các quan tham nhũng ngày càng nhiều, bản thân ngài càng được nhiều bổng lộc, hứng tất cả mọi xu nịnh, kết quả dồn cho tầng lớp nông nô, nô tì bên dưới mỗi ngày bị bóc lột càng thậm tệ hơn... Một đêm Quý Ly nằm mơ chuyện gì không rõ ngôn từ, hầu phòng buộc phải chạy sang gọi Nguyên trừng. Trừng vào thấy mặt cha đỏ như gấc, đầu hết ngoẹo sang phải lại sang trái, tay ông không phải đang bắt chuồn chuồn mà là giơ tay phải lên chém chém thì Trừng dường như đã đoán ra sự tình, bèn dựng ông ngồi dậy.
Giấc mơ ấy miêu tả những tính toán giành ngôi vua. Cái khó khăn lớn nhất là ông không phải tông giống nhà Trần, muốn giữ được giang sơn buộc ông phải tìm kế. Tháng hai năm 1400 ông thực sự giành ngôi, lòng muốn dựng con thứ ( Hồ Hán Thương) làm vua để ông ngồi lên ngai Thái thượng Hoàng chỉ đạo, còn Hồ Nguyên Trừng lãnh trách nhiệm Tả tướng quốc. Trước khi tiến hành ông ra câu đối dò ý Trừng : “ Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân !” Trừng khiêm tốn trả lời: “ Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường cột để nâng xã tắc.” Vậy là cha con đã thuận ý tình.
Hồ Quý Ly biết cuộc cải cách này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lòng dạ nhiều quan lại từ trên xuống dưới không thuận, nhất là số quan thân hữu nhà Trần, cụ thể hơn với số quan bị triều đình thu lại khá nhiều ruộng đất để cấp cho những hộ thiếu ruộng, không ít quan đang chiếm hữu số nô lệ quá quá nhiều cũng bị triều đình rút đi xây dựng các công trình kiến quốc, đáng kể nhất loại quan tham bị tổ chức Liêm phóng phát hiện, bàn giao cho triều đình xét xử... Đó là những đầu mối rường cột quy tụ lại mỗi cá nhân Hồ Quý Ly phải chịu cảnh mất lòng tin... và cũng là mầm mống gây thảm hoạ dân tộc. “ Không thể lừng khừng, chậm trễ ngày nào bọn phản tặc đâm nhờn, tệ quan tham mọc thêm, dân càng khổ... cho nên khó bằng mấy cũng phải tiến hành khẩn cấp!” - đó là lời ông dặn Nguyên Trừng và Hán Thương, nên kẻ nào âm mưu chống lại, ông thẳng tay nghiêm trị.
Năm 1388, trước khi lên ngôi, nhận được tin từ Liêm phóng: quan đại thần Lê Á Phu bí mật tâu vua giết Hồ Quý Ly, ông sai người thủ tiêu ngay. Trang Định Vương Ngạc có ý hãm hại Quý Ly cũng bị ông ngầm sai người giết. Đến Phan Mãnh, Chu Bỉnh Khuê vì câu nói: “ Trời không thể có hai mặt trời, dân không thể có hai vua!” cũng phải chết vào năm 1391. Kinh khủng nhất là Hội thề Đốn Sơn giữa năm 1399, một lúc 370 người bị xử tử vì mưu diệt trừ Hồ Quý Ly do Thái bảo Trần Hãng và Thượng tướng Trần Khát Chân cầm đầu không thành...
Mùa thu năm 1402, khi Hồ Hán Thương đổi sổ An Phủ sứ lộ Châu Ái thành Thanh Hoa, Nguyễn Cảnh Chân không tán thành nên đã dâng thư nói xin theo lối cũ của nhà Hán, mộ người nạp thóc vào kho để việc phòng biên cương được đầy đủ. Những người nộp thóc hoặc là được ban tước, hoặc được miễn tội tuỳ theo mức độ. Quý Ly phê: “ Biết được mấy chữ mà giám nói việc Hán, Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi!” Ngoài ra nhiều văn sĩ trong triều vẫn quen thói ca tụng Hàn Dũ, Chu Mậu Thúc, Trình Hiệu, Trình Di, Chu Tử... có ý đòi Quý Ly đưa chương trình Nho giáo kinh điển Trung Hoa trở lại nền giáo dục như trước, ông cười và phê thẳng cánh: “ Lực học thì rộng nhưng tài lại kém, không quan thiết đến sự tình, chỉ chuyên nghề lấy cắp văn chương của người xưa!”
Nhận rõ những khó khăn đầy rẫy trong nước: cảnh mất mùa do hạn, lụt diễn ra liên miên Hồ Quý Ly cho đắp đê, đào sông chống lũ, đắp đập giữ nước chống hạn. Để đảm bảo thông tin liên lạc từ Trung ương đến các địa phương, ông cho đặt các trạm cấp phát công văn, đây thực sự là hình thức bưu điện đầu tiên. Ông đưa việc cân đong đo đếm vào pháp luật Nhà nước để loại trừ hành động buôn gian bán lận... Quan tâm đến sức khoẻ cho dân, ông cho đặt các Quãng Tế Thự để nhân dân được đến khám, chữa bệnh; Có thể nói đây là bước khởi đầu cho ngành y tế nước ta. Về phát triển kinh tế, xoá đói nghèo ông cho phép khai hoang, cho đo đạc lại ruộng đất để biết nơi nào nhiều ruộng thì đưa dân ở nơi đang thiếu ruộng di cư đến đó mà làm ăn. Động viên những tăng lữ trẻ có sức khoẻ mà không am tường phật giáo về đi học hoặc làm ruộng, làm nghề để tăng dân trí và phát triển kinh tế.
Để đảm bảo an ninh quốc phòng ông cho xây thành Nhà Hồ ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và thành Tây Đô tại Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Riêng Hồ Nguyên Trừng, ông giao cho trách nhiệm sản xuất vũ khí, tuyển quân, biên chế lại tổ chức quân đội. Đặc biệt tăng cường xây dựng tính kỷ luật quân đội. Thải những tướng sĩ bất tài và kém sức , thay vào đó những người trẻ khoẻ, am tường võ nghệ vv...
Tiếc thay, thời gian kiến quốc chưa được bao lâu, cuối năm 1405 nguy cơ xâm lăng của nhà Minh ngày càng rõ rệt!
Khi nghị bàn quốc sự, các quan trong triều chia thành hai phái: đánh và hoà... Quý Ly biết hoà tức sẽ phải chấp nhận sức ép của bắc triều, phải cắt đất, cống nộp từ con người đến mọi sán vật quý cho chúng. Hồ Nguyên Trừng lộ cảm thương cha, biết rõ cuộc chiến này vô cùng khốc liệt... Thời gian xây dựng lực lượng quân đội chưa đủ, chưa giác ngộ được tư tưởng lập trường cho hàng ngũ quan lại từ Đại thần đến binh lính, số người hiểu và hết lòng ủng hộ cha không nhiều lắm; đáng sợ nhất số quan Đại thần còn nặng tư tưởng cầu an hưởng lạc, ngấm ngầm ghen ghét cha chưa kịp gạt ra ngoài còn quá nhiều... Nhưng khi Quý Ly hỏi ý Trừng, ông nói: “ Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”
Đúng thế, giữa năm 1406 mười vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sang, Hồ Nguyên Trừng chủ quan khinh địch ít nên đưa quân ra chống trả bị thất bại ở Đáp Cầu. Sau đó ông tổ chức lại đội ngũ và đuổi được chúng... Cuối năm, giặc Minh lại tràn sang, lần này quân số lên tới tám mươi vạn tên, Nguyên Trừng chỉ huy một cánh quân tiến theo dọc sông Cái, bị thua trận. Rồi hết thất bại này nối tiếp thất bại kia vì thế giặc quá mạnh, lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng, nhân đà hàng loạt tướng sĩ còn nặng tư tưởng hèn yếu đang sẵn lòng thù oán Hồ Quý Ly... ĐT: 0986. 168.595
Giữa năm 1407 Hồ Quý Ly phải chịu bó tay, ngậm ngùi cay đắng nhìn đoàn quân hạ toàn bộ vũ khí. Những cỗ súng Thần cơ, Hoả tiễn và hàng ngàn vũ khí cầm tay nằm ngổn ngang giữa chiến trường. Số người chết nhiều vô kể!...
Trước tình cảnh đó, thầy dạy võ công cho Hồ Quý Ly là Nguyễn Sĩ Tề phải thốt lên: “ Người chí lớn sao ông trời để mất” còn Hàn lâm học Nguyễn Phi Khanh thì ngửa mặt nuốt nghẹn, có lẽ ông đang buồn tủi bởi chẳng bao giờ còn được trở về phụng sự đất nước, quê hương!
Ngày ấy những người có mặt tại ải Nam Quan chứng kiến: trời nắng chang chang, kẻ thắng trận thì xe, ngựa, áo, mũ, gươm, giáo trùng trùng, mặt mày hớn hở có kẻ đưa người đón; số người thua trận tay không mà còn bị trói, mặc nắng thiêu đốt mái đầu, lủi thủi lê bước. Biết rằng đến đây đã hết, người thua trận nghẹn ngào ngoảnh đầu từ biệt người thân, chẳng nói nên lời, chỉ còn đôi mắt căm hờn nói lên tất cả. Nguyên Trừng biết không thể mang tay nải qua cửa ải, trước khi bị trói ông giấu nó vào bụi cây ven đường, ra hiệu cho Nguyễn Trãi... Trong tay nãi ấy có “ nắm đất mẹ” được gói cẩn thận trong tấm vải lụa và vài bài thơ, một trong những bài ấy là “ Ức Nam Phương” viết trên tờ giấy dó...
Trên ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đau lòng nhìn theo cha là Nguyễn Phi Khanh và Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng cùng hàng trăm người Đại Việt bị quân Minh áp tải. Trước khi vĩnh biệt mọi người ông còn thấy Trừng ngoảnh đầu lại khá lâu, hình ảnh đó khiến lòng ông trào lên cảm xúc: Ức Trai! Mãi tới lúc một cụ già đội nón rách, râu tóc bạc phơ kéo tay vào nhà cụ ở bên đường, Trãi mới hết nghẹn. Cụ mời Trãi uống rượu, cơm nước xong khuyên rằng:
- Đời nhiều khi xảy ra tình cảnh thật buồn, quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử khó tránh khỏi, có điều sớm hoặc muộn thôi. Nay nhà Minh thắng, mai ta... Bây giờ ngài nên nghỉ ngơi thoải mái, khi nào muốn về tôi sẽ cho ngựa đi.
Ông già chọn nơi kín nhất là gian buồng phía sau cho Trãi nghỉ. Suốt cả hôm ấy ông không ngủ, hình dung toàn bộ những diễn biến đã qua: “ Lời cha dặn con hãy nhớ!...” và “ gói đất mẹ” kèm bài thơ “ Ức Nam Phương” của Nguyên Trừng mà lòng nhói lên. Bỗng đôi mắt ông nhíu lại, hai pháp lệnh từ bìa cánh mũi trái, cánh mũi phải kéo xuống sâu đậm, dài gần tới cằm. Tại đây, Ải Nam Quan này lần đầu tiên Trãi rơi nước mắt. Mỗi giọt nước mắt của ông đều rung động nỗi Ức Trai !
Bỗng một trận mưa rào đổ xuống ải Nam Quan, mưa sụt sùi dai dẳng thê lương, những giọt mưa tạo âm thanh như khóc. Có người nói Trời đã tuôn nước mắt...

Tháng 2 -2012
N.T.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét